Một trong những món chè phổ biến hiện nay phải kể đến đó là chè Thái. Chè có màu sắc bắt mắt, sặc sỡ của các loại thạch kèm theo vị ngọt béo, không ngấy. Điểm tô thêm cho ly chè là một vài loại trái cây ngon miệng khiến bạn khó lòng cưỡng lại được. Nấu chè Thái không quá khó khăn, cùng tìm hiểu cụ thể hơn qua bài chia sẻ sau nhé.
Nguồn gốc của món chè Thái
Chè Thái hiểu đơn giản là loại chè được kết hợp giữa hương thơm sầu riêng, thanh mát và béo từ nước cốt dừa, giòn giòn của sương sa, hạt lựu, thạch. Đây là món chè được nhiều người yêu thích thưởng thức vào ngày hè oi ả, nguồn gốc xuất xứ từ đất nước Thái Lan,
Hương vị đặc trưng của món chè này đó là béo và ngọt. Nước đường bỏ vào chè được thắng tự nhiên nên khi thưởng thức dù ngọt vẫn không hề ngấy. Hiện nay, món chè này phổ biến ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Ở Sài Gòn, chè Thái có phần đơn giản hơn khi sử dụng các nguyên liệu như nước cốt dừa, bánh lọt, thạch…
Hướng dẫn chọn nguyên liệu nấu chè Thái tươi ngon
Sầu riêng là một trong những thành phần đặc trưng của món chè Thái. Bạn nên chọn sầu có eo phìn tròn, gai nở đều, không bị móp méo, màu xanh rêu ở vỏ quả, hơi ngả vàng. Khi ngửi sầu riêng có mùi nồng đặc trưng. Lưu ý, hãy tránh những quả sầu mùi hương không rõ, bề ngoài eo óp và khó tách do sầu này bị sượng và chín ép.
Ngoài sầu riêng, mít cũng là thành phần chủ đạo trong món chè Thái. Bạn chọn trái mít gai trên vỏ đã nở to, kích thước vừa, ngửi thấy mùi thơm đặc trưng. Khi ấn vào trái mít cảm nhận rõ độ mềm nhẹ. Đối với những trái mít đã cắt và lột múi sẵn, hãy chọn phần múi mít màu vàng tươi, không bị chảy nước hay có vết thâm, mùi thơm đặc trưng.
Điểm qua những loại topping đa dạng trong món chè
Tùy vào sở thích, bạn sẽ chọn những loại topping ăn cùng chè riêng. Topping đa dạng giúp món chè Thái thêm phần đầy đặn và mới lạ hơn về hương vị. Dưới đây là một số loại topping bạn có thể chọn bỏ vào món chè này:
- Khoai dẻo: Những viên khoai dẻo thơm bùi từng làm mưa làm gió khắp diễn đàn, trang mạng về ẩm thực. Khoai dẻo được làm từ khoai và bột năng, ăn cùng chè Thái rất hợp.
- Trân châu: Có khá nhiều loại trân châu hiện tùy theo tay người nấu. Điểm chung của các hạt trân châu bỏ trong chè đó là vị ngon ngon, dai dai.
- Sầu riêng: Một múi sầu riêng nhỏ làm thơm phức bát chè, tăng thêm vị béo ngậy.
- Mít: Thớ mít vàng ngon ngọt tạo thêm cho bát chè Thái màu sắc bắt mắt hơn.
- Caramen: Hay còn được biết đến là bánh Flan. Đây là biến tấu của một số nơi giúp món chè thêm phần đặc sắc hơn.
Chia sẻ các công thức nấu chè kiểu Thái chuẩn vị tại nhà
Đây là món chè xuất hiện ở hầu hết các quán chè hiện nay, khá quen thuộc với chúng ta. Cách làm chè Thái cũng không quá mất công, bạn hoàn toàn có thể học công thức và nấu tại nhà. Sau đây, chúng tôi chia sẻ đến bạn một số cách nấu chè Thái chuẩn vị, dễ làm:
Nấu chè Thái thập cẩm
Công thức sau đây sẽ nấu cho 2 – 3 người ăn, bạn có thể điều chỉnh số lượng để hợp với nhu cầu. Trong món chè Thái thập cẩm bạn cần có:
- Bột năng: 400g.
- Siro dâu: 2 thìa cà phê.
- Thạch dừa: 1 túi.
- Bột sương sáo đen: 60g.
- Nước cốt dừa, Đường, sữa tươi, dầu chuối, sữa đặc, nước lọc, đá bào.
- Sầu riêng, lê, nhãn, mít.
- Lá dứa: 5 – 6 lá
Chè Thái thập cẩm sẽ gồm có nhiều loại topping. Do đó, bạn sẽ mất thời gian nhất định để chuẩn bị. Cách làm cụ thể như sau:
Bước 1: Làm thạch lê hạt lựu
Bạn rửa sạch lê, gọt vỏ, thái hạt lựu rồi mang ngâm cùng nước đá lạnh trong 5 – 7 phút. Sau đó vớt lê ra và trộn cùng một thìa cà phê siro dâu tạo màu. Tiếp theo, bạn đổ bột năng vào trộn đều để từng miếng lê hạt lựu bám bột. Hãy bắc lên bếp nồi nước, đun sôi rồi thả lê hạt lựu vào luộc. Khi thấy lê hạt lựu nổi lên mặt nước, bạn vớt ra và ngâm tiếp trong nước lạnh khoảng 10 phút.
Bước 2: Làm thạch đen sương sáo trong món chè Thái
Bạn dùng 60g bột sương sáo khuấy đều với 250ml nước lọc. Tiếp theo, bắc lên bếp nồi 750ml nước lọc, cho toàn bộ phần nước sương sáo vừa rồi vào khuấy đều tay. Bạn nấu đến khi nước sôi thì nhỏ vài giọt dầu chuối vào rồi tắt bếp. Để thạch được đông lại, bạn để riêng ra một chiếc khay.
Bước 3: Làm thạch lá dứa
Bạn mang lá dứa rửa sạch cùng nước, cắt thành khúc nhỏ và mang xay nhuyễn. Tiếp theo, đem phần lá dứa này lọc qua rây, bỏ phần bã, giữ lại khoảng 200ml. Bạn bắc nồi lên bếp, cho vào 900ml nước, 2 thìa cà phê đường, bột rau câu và khuấy đều. Hãy đun hỗn hợp này đến lúc sôi thì bỏ thêm vài giọt dầu chuối, đổ 200ml nước cốt lá dứa vào khuấy đều tới khi sền sệt lại rồi tắt bếp. Bạn đổ hỗn hợp vào khay cho thạch lá dứa đông lại.
Bước 4: Nấu nước cốt chè Thái
Bạn cho 350ml sữa tươi không đường, 150ml nước cốt dừa, 300g sầu riêng, 1 lon sữa đặc đem xay nhuyễn là đã có ngay phần nước cốt hấp dẫn. Nhãn lọc lấy cùi, mít xé sợi nhỏ, thạch lá nếp và thạch sương sáo cắt nhỏ thành hình vuông bỏ vào cốc. Cuối cùng bạn cho thêm dừa khô, đậu phộng, nước cốt chè vào là hoàn tất ly chè Thái thập cẩm thơm ngon.
Nấu chè kiểu Thái giun xanh
Tên gọi khác của món chè này đó là chè giun Thái Lan, chè bánh lọt… Nguyên liệu trong món chè giun Thái Lan gồm có:
- Lá dứa: 5 – 6 lá.
- Bột năng: 350g.
- Đường, muối, đá xay.
- Nước cốt dừa: 2 hộp.
Bạn làm theo các bước sau để nấu chè Thái giun xanh:
- Bước 1: Lá dứa rửa sạch, cắt thành khúc rồi bỏ vào máy xay xay nhuyễn cùng một chút nước. Bạn lọc lá dứa bằng rây để lấy phần nước cốt.
- Bước 2: Lấy 200g bột năng, đổ thêm phần nước cốt lá dứa mới lóc vào. Bạn dùng tay nhào đến khi bột chuyển qua màu xanh đều.
- Bước 3: Rắc lên thớt chút bột năng để tạo lớp áo bột. Sau đó, bạn cho phần bột đã nhào cán bột thật mỏng, độ dày khoảng 2cm. Lấy dao cắt dọc thành từng sợi dài, rộng tầm 1cm.
- Bước 4: Đem phần bột mới cắt đi nấu chín trong 15 phút. Khi bột nổi lên bề mặt, bạn bỏ vào thau nước lạnh để có độ dai và dẻo, không bị nát.
- Bước 5: Cho vào nồi 150ml nước cốt dừa, đường và 250ml nước ấm nấu nước cốt. Để tạo độ sệt và sánh, bạn cho thêm bột năng khuấy một lúc rồi tắt bếp.
- Bước 6: Cho từng sợi giun xanh đã chuẩn bị vào trong cốc. Bạn đổ thêm phần nước cốt đã nấu ở bước 5 rồi rắc thêm đậu phộng, dừa khô, đá bào là hoàn tất món chè Thái giun xanh.
Nấu chè kiểu Thái kết hợp sầu riêng
Món chè này đang trở thành đặc sản của Đà Nẵng. Hầu như khách du lịch nào ghé thăm Đà Nẵng cũng muốn thưởng thức chè Thái sầu riêng. Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị trong món chè này gồm có:
- Thạch dừa: 1 túi.
- Bột năng: 200g.
- Đậu đỏ: 110g.
- Nước dừa: 1 lon.
- Dừa nạo, sầu riêng.
- Một số loại trái cây tùy ý như xoài, bơ, nhãn, lê, dưa…
Dưới đây là các bước nấu chè Thái sầu riêng bạn có thể tham khảo:
- Bước 1: Mít sau khi mua về đem xé sợi.
- Bước 2: Đổ vào nồi khoảng 400ml nước dừa và thêm 1,5 thìa cà phê đường vào, khuấy đều tới khi nước dừa sôi thì tắt bếp.
- Bước 3: Cho đường và 200g bột năng vào một chiếc bát to. Bạn đổ 130ml nước sôi từ từ vào bột đánh tới khi bột sệt lại, nhào kỹ đến lúc dẻo mịn, không dính tay. Sau đó, bạn chia bột thành từng phần nhỏ, có thể tạo màu cho đẹp.
- Bước 4: Rắc chút bột năng lên thới làm lớp áo, đặt bột lên rồi cán mỏng. Bạn dùng dao cắt bột thành từng sợi dài. Tiếp theo, luộc bột chín đến khi nổi lên mặt nước, ngâm trong nước đá lạnh 10 phút.
- Bước 5: Chuẩn bị cốc, cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào, rưới phần nước cốt dừa lên. Cuối cùng bạn cho thêm vào ly chè Thái sầu dừa nạo, sầu riêng, đá bào, thạch vào để thưởng thức.
Một làm lưu ý khi tự nấu chè
Chè Thái chưa bao giờ hết hấp dẫn nhờ hương vị chè đặc trưng kết hợp với những loại topping đa dạng. Mỗi lần thưởng thức đều khiến bạn nhớ nhung, muốn ăn tiếp. Khi tự nấu món chè này tại nhà, bạn cần chú ý một số điều sau:
- Tự điều chỉnh lượng đường sao cho hợp nhất với khẩu vị gia đình.
- Khi làm bánh lọt nên đảm bảo độ ngọt thanh vừa phải để không mất đi hương vị đặc trưng của chè.
- Chọn nguyên liệu sạch và tươi mới. Bạn không nên chọn những loại trái cây đã để quá lâu. Để đảm bảo độ tươi ngon, bạn nên dùng trái cây theo mùa.
- Đối với thạch, không nhất thiết phải theo quy chuẩn. Bạn có thể biến tấu một số loại thạch như cà phê, dừa, nha đam, dâu… phù hợp.
- Chè Thái không bảo quản được quá lâu. Bởi nếu để lâu hương vị ngon tự nhiên, nguyên chất bị biến đổi. Khi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh chỉ để tối đa 2 ngày. Còn nếu bạn bảo quản chè trong ngăn đông có thể để khoảng vài tuần.
- Mỗi ly chè chứa khoảng 400 Calories, nếu cho thêm sầu riêng lượng Calories có thể lên tới 450 – 500. Nếu bạn đang bị tiểu đường, ăn kiêng hoặc sợ béo chỉ nên ăn lượng vừa phải. Bởi nếu thả phanh dễ tăng cân khó kiểm soát.
Kết luận
Món chè Thái luôn giữ vững phong độ, được mọi người rất yêu thích. Tùy theo từng mùa, từng vùng miền bạn sẽ được thưởng thức ly chè với những biến tấu riêng. Do trong chè chứa nhiều nguyên liệu ngọt, béo nên bạn cũng nên ăn vừa phải tránh ảnh hưởng đến cân nặng nhé.