Chè long nhãn (chè nhãn nhục) cũng là món chè truyền thống của Việt Nam. Với vị thanh mát và ngọt thơm, bổ dưỡng, món chè này khiến các thành viên trong gia đình đều thấy mê mẩn. Vậy bạn đã biết cách nấu chè nhãn nhục như thế nào chưa? Nếu chưa hãy tham khảo ngay bài chia sẻ dưới đây để cập nhật công thức nấu chuẩn cho mình nhé.
Điểm qua những công dụng khi ăn chè long nhãn
Chè long nhãn là loại chè đặc trưng trong nền ẩm thực Huế, mang hương vị thơm tự nhiên, ngọt thanh. Món chè phải đảm bảo đủ vị hạt sen thơm bùi cùng cùi nhãn ngọt thanh mát khó lòng quên được khi thưởng thức.
Đây là món chè hỗ trợ thư giãn và an dưỡng tinh thần, cải thiện giấc ngủ khá tốt. Bởi long nhãn là một vị thuốc có vô số tác dụng tốt với sức khỏe. Dưới đây là những công dụng điển hình bạn sẽ nhận được khi ăn chè nhãn nhục:
Giúp chữa mất ngủ và an thần
Do trong chè long nhãn chứa hạt sen và long nhãn là thành phần chính hỗ trợ an thần, làm dịu thần kinh rất tốt. Bạn dễ đi vào sâu trong giấc ngủ, ngủ ngon và sâu hơn. Đối với người thường xuyên thấy bất an, lo lắng, mất ngủ, bồn chồn… không nên bỏ qua món chè này.
Giúp bổ máu
Một vài nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng trong cùi nhãn chứa nhiều thành phần vitamin PP. Đây là loại vitamin giúp tăng độ đàn hồi mạch máu và bổ sung sắt. Từ đó, hỗ trợ quá trình tuần hoàn máu hoạt động đều đặn, ổn định hơn. Chè nhãn nhục được đánh giá là bài thuốc tốt cho người thiếu sắt, suy nhược thần kinh, thiếu máu…
Chè long nhãn chống lão hóa
Trong phần thịt nhãn có chứa nhiều flavoprotein. Đây là loại hoạt chất hỗ trợ sửa chữa DNA, loại bỏ các gốc tự do, tăng cường hoạt động tế bào thần kinh não. Chính vì vậy, ăn chè nhãn nhục thường xuyên có thể giúp bạn duy trì đầu óc sáng suốt, minh mẫn, kéo dài tuổi thọ hơn…
Thanh nhiệt cơ thể
Chè long nhãn có vị ngọt thanh tự nhiên, hỗ trợ giải nhiệt mùa hè khá hiệu quả. Nếu thấy cơ thể nóng bức, bạn nên thưởng thức ngay một ly chè này để thanh nhiệt. Các thành phần trong chè sẽ giúp bạn nhanh chóng giải tỏa bực bội, nóng nảy trong người.
Mẹo chọn nguyên liệu tươi ngon nấu chè long nhãn
Thành phần chính trong món chè nhãn nhục đó là long nhãn và hạt sẽ. Do đó, bạn cần chọn những nguyên liệu này thật cẩn thận, tỉ mẩn để giúp món chè giữ trọn hương vị thơm ngon.
Đối với nhãn:
- Bạn chọn lựa nhãn lồng do phần cùi loại nhãn này khá dày, có mùi thơm nồng hơn các loại nhãn khác. Đồng thời đảm bảo được độ giòn ngọt.
- Nhãn ngon có đường vân vỏ nhãn nở to, màu nâu đậm. Phần vỏ hơi sần nhẹ, dậy mùi thơm dịu là rất ngọt và đã chín kĩ.
- Nên chọn các chùm nhãn còn nguyên cành, phần lá tươi và cuống cứng cáp.
- Không nên lựa trái nhãn đã bị nứt vỏ, rời cành, thâm đen hay mùi chua lạ.
Đối với hạt sen:
- Sử dụng móng tay bấm vào trong hạt sen khô, nếu thấy không bị quá khô quắt hay mềm nhũn thì có thể chọn được.
- Hạt sen cần đảm bảo độ cứng vừa phải.
- Nên chọn hạt sen với màu trắng sữa hoặc vàng đục, kích thước hạt vừa phải. Hình dáng tròn đều, to tầm nửa đốt ngón tay.
- Không chọn hạt sen bị sứt sẹo, thâm đen, nấm mốc hoặc có mùi lạ.
Cách nấu món chè long nhãn truyền thống
Đối với công thức truyền thống, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- 100 hạt sen tươi đã bỏ tim và làm sạch.
- 0,5 kg đường phèn.
- 100 trái nhãn lồng.
- 3 ống vani.
Bạn đổ hạt sen sơ chế vào nồi nước lớn, đun lửa nhỏ cho hạt sen chín đều trên bếp. Lúc hạt sen chín, bạn lựa hạt nở bung cho ra ngoài trước. Khi đã vớt hết hạt sen, bạn bỏ vào nồi nước hạt sen 0,5 kg đường phèn cho tan. Sau đó, bỏ hạt sen và 3 ống vani vào đun lửa nhỏ cho hạt sen thấm đường dần dần mà không nát.
Hạt sen thấm ngọt và mềm rồi, bạn vớt toàn bộ ra tô để riêng. Đối với nhãn, bạn chọn những trái cơm dày, rửa sạch và loại bỏ vỏ bên ngoài. Tiếp theo, sử dụng mũi dao cực nhỏ hoặc tăm tách cẩn thận hạt ra khỏi cùi để không dập nát hay bị rách.
Bạn lấy hạt sen thấm ngọt, nhét vào cùi nhãn đến khi hết nguyên liệu. Đổ toàn bộ phần nhãn bọc hạt sen vào nước chè sen, nấu lại cho sôi là có thể dùng ngay. Nước chè long nhãn thơm phức và ngọt tự nhiên mát lịm. Món chè này dùng lạnh sẽ tăng thêm hương vị.
Một số biến tấu trong cách nấu chè long nhãn
Long nhãn vừa là loại quả nhiệt đới, vừa là phương thuốc ích tâm, bổ khí huyết, an thần hiệu quả. Nếu bạn kết hợp thêm nhiều nguyên liệu khác sẽ tăng giá trị dinh dưỡng hơn cho món chè long nhãn. Dưới đây là một vài biến tấu cho món chè nhãn nhục bạn cần biết.
Lưu ý hạt sen và nhãn là hai thành phần chính không thể thiếu. Do đó, cách sơ chế và làm nhãn nhồi hạt sen thực hiện giống hệt công thức truyền thống ở trên.
Chè nhãn nhục nước dừa
Công thức nấu chè long nhãn này khá thú vị, thể hiện rõ mùi hoa nhài cuốn hút, hương thơm dừa thoang thoảng. Bên cạnh đó là cùi nhãn dai giòn sần sật, hạt sen mềm nhừ, ngọt lịm quyện cùng hạt chia vô cùng thú vị. Nguyên liệu bạn cần có đó là:
- 100gr hạt sen tươi.
- 50gr thạch đen.
- 100gr quả nhãn lồng.
- 50gr hạt chia.
- 3 – 5 bông hoa nhài.
- 2 quả dừa xiêm.
- 20gr đường thốt nốt.
Phần hạt sen nhồi nhãn bạn làm theo công thức truyền thống. Sau khi chuẩn bị xong nhãn lồng bọc hạt sen, bạn ninh thêm tầm 5 phút rồi để ráo, bảo quản ngăn mát tủ lạnh tầm 15 phút. Tiếp theo, bạn đổ hai trái dừa xiêm vào nước luộc sen, đun sôi rồi tắt bếp.
Bạn thả thêm hoa nhài vào nồi nước tầm 10 phút cho thơm rồi vớt ra. Cuối cùng, bạn múc hạt sen nhồi nhãn ra bát, chan nước chè long nhãn nước dừa lên, cho thêm hạt chia vào là hoàn tất.
Chè long nhãn táo đỏ
Món chè này thanh mát, bồi bổ sức khỏe rất tốt. Do đó, phù hợp với những người già, giúp giảm căng thẳng và an thần ngủ ngon nhanh chóng. Các thành phần nguyên liệu bạn cần chuẩn bị trong món chè nhãn nhục táo đỏ gồm:
- 500gr hạt sen tươi.
- 50gr táo đỏ.
- 120gr nhãn nhục.
- Nha đam cắt sẵn hoặc rau câu giòn.
- 450gr đường phèn.
- 1 ít lá dứa.
Hạt sen sau khi mua về bạn rửa với nước, bỏ tâm sen. Trường hợp dùng hạt sen khô, bạn cần ngâm trong nước tầm 6 – 8 tiếng cho nở mềm. Bắc lên bếp nồi nước 500ml cùng chút muối nấu hạt sen tầm 10 – 15 phút. Khi hạt sen chín, bạn vớt ra thau nước lạnh. Táo đỏ đem rửa sạch, bổ làm tư hoặc đôi tùy thích cho món chè long nhãn táo đỏ.
Nhãn nhục bạn cũng ngâm nước rồi rửa sạch nhằm loại bỏ tạp chất và bụi bẩn bám quanh. Cho tất cả phần nhãn nhục lên bếp, nấu đến khi chín thì thả thêm lá dứa vào. Bạn nêm nếm 150gr đường trắng và 200gr đường phèn vào đảo nhẹ.
Sau đó, đổ tất cả hạt sen vào nấu chung, ninh trong 5 phút với lửa lớn, 15 phút với lửa nhỏ và ủ 30 phút là hoàn tất. Khi ăn chè long nhãn táo đỏ, bạn múc chè ra tô hoặc ly, bỏ thêm nha đam cắt sẵn hoặc rau câu giòn vào. Chắc chắn ai thưởng thức món chè này cũng đều yêu thích, rất hợp để giải nhiệt và thanh lọc cơ thể.
Chè long nhãn đậu xanh
Món chè nhãn nhục đậu xanh có hương vị ngậy bùi hoà cùng vị béo từ nước cốt dừa vừa phải. Khi thưởng thức bạn sẽ không bị nhanh ngán. Để tăng thêm hương vị cho món chè long nhãn đậu xanh, bạn có thể cho thêm đậu phộng rang hoặc dừa khô. Nguyên liệu trong món chè đậu xanh long nhãn bao gồm:
- 300gr đậu xanh bỏ vỏ.
- 100gr nhãn nhục.
- 100gr hạt sen tươi.
- 100gr đường phèn.
- 100gr dừa nạo.
- 1 ống vani.
- 10gr bột sắn dây.
- 1 chút muối.
Đậu xanh bạn đãi sạch cho hết tạp chất và bụi bẩn rồi ngâm trong nước ấm khoảng 1 tiếng. Hạt sen tươi rửa sạch, loại bỏ tim sen. Nhãn nhục khô ngâm cùng nước tầm 20 – 30 phút để nở mềm rồi vớt ra ráo nước.
Bạn cho hạt sen vào 500ml nước ninh lửa vừa đến khi mềm nhừ, không bị nát. Đừng quên hớt bọt và đảo đều thường xuyên để nước luộc được trong. Sau đó, bạn cho đậu xanh vào cùng chút muối cho món chè đậm đà hơn. Khi thấy đậu xanh mềm nhuyễn và bở, bạn cho nhãn nhục và đường phèn vào.
Bạn hòa tan khoảng 10gr bột sắn dây với nước ấm rồi trút từ từ vào nồi chè. Rưới thêm ống vani dậy mùi thơm, khuấy đều đến khi chè sánh mịn là tắt bếp. Thành phẩm là bát chè đậu xanh long nhãn chất lượng. Khi thưởng thức bạn cho thêm dừa tươi nạo và nước cốt dừa lên càng tăng thêm độ ngon.
Những lưu ý cần nhớ khi ăn chè long nhãn
Chè nhãn nhục không chỉ là món ăn ngọt mát, thanh đạm để thưởng thức ngày nắng nóng mà còn là bài thuốc quý, rất có lợi với sức khỏe. Dù vậy, trong quá trình thưởng thức chè long nhãn bạn cũng cần chú ý:
- Người mắc bệnh tim không ăn loại chè này quá nhiều. Do hàm lượng chất alkaloid trong hạt sen có thể gây đột quỵ.
- Những người bị bệnh khó tiêu, đầy bụng nên hạn chế ăn.
- Nếu nấu chè long nhãn để chữa mất ngủ, bạn có thể để nguyên tim sen.
- Mỗi ngày chỉ nên tiêu thụ khoảng 28gr chè nhãn nhục.
- Người bị béo phì, thừa cân không nên ăn món chè này do chứa nhiều thành phần bổ dưỡng.
- Thai phụ xuất hiện triệu chứng âm hỏa hư, nóng trong không ăn chè nhãn nhục do có thể gây đau bụng, ra huyết, động thai.
Kết luận
Như vậy, chúng tôi đã chia sẻ đến bạn những công thức nấu chè long nhãn bổ dưỡng, thơm ngon. Có thể thấy các thành phần trong món chè này đều từ tự nhiên, rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên trong quá trình thưởng thức, bạn cũng cần chú ý xem mình có phù hợp để ăn không nhé.